Một vài suy nghĩ về nghi cách sự lễ Phật

Thứ sáu - 08/07/2016 04:06
Nghi cách của sự lễ Phật, nói chung là lễ bái. Trên thế giới các nước theo Phật giáo, từ xưa đến nay, mỗi quốc gia có mỗi tập quán mà chư Tổ đặt ra kiểu cách lễ, mỗi mỗi đều mang ý nghĩa đặc thù và riêng biệt.
Thông thường lễ Phật, mỗi người có quan niệm và lời giải thích riêng không đồng nhất, tất cả đều đúng. Tuy nhiên, tra cứu về nguồn gốc và ý nghĩa, thì lễ Phật thể hiện sự tôn kính tột cùng, vì thế gian thường cho cái đầu là cao thượng hơn cả, nhưng đem so với bàn chân Đức Phật thì còn thấp bé hơn nhiều. Chính vì thế mà thuở Đức Phật còn tại thế đã hình thành ra hai cách lễ:
 
le phat


1. Lễ úp 2 bàn tay: Đệ tử mỗi khi cung kính đỉnh lễ Phật thường úp mặt xuống 2 bàn chân Đức Phật mà hôn.
2. Lễ ngửa 2 bàn tay: Ngài A Nan, hay ngài Xá Lợi Phất... muốn cầu thỉnh Phật thuyết pháp thì trịch áo bày vai hữu, cung kính ngửa đôi bàn tay lễ sát đất, thể hiện sự cầu xin (xin xỏ) giáo pháp, ngưỡng mong sự thương xót và ban cho.

Vậy từ 2 ý nghĩa trên cho thấy:
- Nếu lễ Phật để thể hiện sự cung kính thì nên úp 2 bàn tay xuống đất tưởng tượng như hai bàn chân của Phật đang duỗi ra để mình gieo mặt xuống hôn lấy.
- Khi đỉnh lễ thỉnh Chư Tăng thuyết pháp hoặc trai tăng cúng dường, thì ngửa đôi bàn tay thể hiện sự cầu xin Chư Tăng ban cho lời dạy, ban cho ân đức để người lễ, tăng thêm phần phúc đức.

Do đó, khi Phật giáo truyền vào Trung Hoa và Việt Nam, chư Tổ đã chế định phép lễ phải NGŨ THỂ ĐẦU ĐỊA (5 vóc phải sát đất. Nghĩa là 2 đầu gối ra 2 bàn chân, 2 cùi chỏ ra 2 bàn tay và đầu phải sát đất). Nghĩa là: lễ Phật, lễ tượng Phật, lễ thánh tượng Bồ tát, lễ sư trưởng,... Thì nên chí thành như vậy mới tỏ vẻ cung kính. Trong kinh Pháp Bảo Đàn, nơi phẩm cơ duyên có đoạn viết rằng: “Có một vị tăng tên là Pháp Đạt, người ở HồngChâu, xuất gia lúc 7 tuổi, thường tụng kinh Pháp Hoa, đến lễ Tổ mà đầu không sát đất, Tổ mới quở rằng: “Lễ mà đầu không sát đất chi bằng đừng lễ, trong tâm ông ắt có một vật, vậy ông chứa chấp sự nghiệp gì?” Pháp Đạt thưa: “Tôi tụng kinh Pháp Hoa đã đến ba ngàn bộ”.

Tổ bảo: “Nếu ông tụng đến muôn bộ, được cái ý kinh mà chẳng cho rằng hơn, ắt cùng với ta sánh vai, nay ông mang sự nghiệp này, trọn không biết lỗi, nghe ta nói kệ:
Lễ vốn chặt cờ mạn
Sao đầu không sát đất
Có ngã tội liền sinh
Quên không phúc vô tỷ...”
...ngài Pháp Đạt sau hối hận, tạ lỗi với Tổ, thưa rằng: “...từ nay về sau, con sẽ khiêm cung với tất cả mọi người...”
Còn khi Phật giáo truyền vào Tây Tạng thì lại có cách lễ: Chắp tay để từ trán trở lên, khi lễ quỳ xuống và chúi thẳng nằm sấp về phía trước. Ý nghĩa này có lẽ lấy theo thời Phật tổ Nhiên Đăng, ngài Thiện Huệ Bồ Tát cung kính dọn đường cho Phật đi, vì gấp quá còn đọng lại vũng nước, Phật tổ Nhiên Đăng đã đến, ngài Thiện Huệ Bồ tát không ngại thân mình xõa tóc và trải thân xuống cho Phật đi qua và được thọ ký 91 kiếp sau sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

Ngoài ra, ở Trung Quốc và Việt Nam còn một cách lễ nữa: Đầu không sát đất, gối và hai tay trước chống xổm lên. Kiểu lễ này có nghĩa là ăn năn, hối hận chuộc lỗi lầm. Như Lương Võ Đế chấp vào sự tướng không đạt lý.

Sau cùng nhà vua hối hận cho vẽ bức tượng “Nhà vua quỳ bò, đức Phật ngồi trên lưng”. Ở Việt Nam, vua Lê Hy Tông (1663-1716) Hòa thượng Tông Diễn cảm hóa nhà vua, vua sám hối cho khắc bộ tượng “nhà Vua quỳ bò, Đức Phật ngồi trên lưng”, hiện tại vẫn còn lưu giữ tại chùa Hòe Nhai, Hồng Phúc tại số 19 phố Hàng Than quận Ba Đình, Hà Nội.

Tuy nhiên, hiện nay mới xuất hiện một cách lễ kiểu mới: Khi lễ úp 2 bàn tay xuống đất, chùi thẳng ra trước, xong lại ngửa 2 bàn tay lên, cuối cùng nắm 2 bàn tay lại rồi đứng lên. Không rõ bắt nguồn từ đâu nhưng được giải thích: úp 2 bàn tay xuống quán tưởng 2 bàn chân Đức Phật, ngửa 2 bàn tay có nghĩa là cầu xin Đức Phật (hoặc đỡ 2 bàn chân Đức Phật), nắm lại có nghĩa giữ gìn giáo Pháp của Phật v/v.. Lối giải thích này cũng có ý nghĩa. Nhưng xét cho cùng khi lễ Phật thì cung kính ra cung kính, cầu xin ra cầu xin, vâng giữ ra vâng giữ.

Sự hợp nhất cung kính, cầu xin, vâng giữ cùng một lúc như thế thể hiện cái tham vi tế của người cải biên, cầu mong được nhiều công đức khi lễ Phật. Phật pháp không lìa thế gian, sự hòa hợp của Phật giáo vào cuộc sống phải gắn liền với thực tế nhưng phải đúng giáo lý mà Đức Phật và chư Tổ dày công truyền bá từ ngàn đời. Sự thay đổi là chấp nhận được nếu trong điều kiện cái cũ bất khả kháng. Tuy nhiên, xét về hình thức và ý nghĩa, cách lễ “kiểu mới” này không khác gì cách lễ của chư Tổ nhưng nó lại nuôi dưỡng cái bản ngã quá lớn của người chế ra nó. Thể hiện cách này là mới, là phù hợp thời đại, là đẹp và đả phá cái cũ thì khác nào chúng ta đi ngược lại lời dạy của Phật: Vô Ngã, Vô Pháp. 

Do đó, hành giả cần phải suy xét thật kỹ trước khi áp dụng lối lễ này. Bởi chỉ cần một mảy mún tâm tham khởi sinh là nó lại lớn nhanh chóng vánh, đặc biệt là thời mạt pháp này, môi trường tốt để cả nội và ngoại ma phát triển; không chi là lợi lạc cho hành giả.


Thích Tâm Đức http://phatgiaothanhhoa.com/
 
 Từ khóa: lễ phật, Vô Pháp, vô ngã

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây