Nguồn gốc, lịch sử ra đời và phát triển của Phật Giáo

Thứ tư - 31/08/2016 10:33
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người sáng lập ra đạo Phật, một trong những tôn giáo có tầm ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới trong lịch sử cũng như hiện nay.

• Nguồn gốc của Phật Giáo:

– Lịch sử Đức Phật Thích – ca – mâu – ni.
“Theo sự xác định niên đại truyền thống, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakya thub-pa), còn được gọi là Đức Phật Cồ Đàm (Gau-ta-ma), sống trong khoảng thời gian từ năm 566 đến 485 trước Công Nguyên ở miền Trung Bắc Ấn Độ”.

Đức Phật khi còn nhỏ

Đức phật Thích – ca – mâu – ni khi còn nhỏ

–  Đức Thích Ca Mâu Ni (Shakya thub-pa) được sinh ra trong một gia đình chiến binh, quý tộc giàu sang ở nước Thích Ca (Shakya), có thủ đô là thành Ca Tỳ La Vệ (Kapilavastu, Ser-skya’i gnas), nằm ở biên giới giữa Ấn Độ và Nepal ngày nay. Ngài sanh ra là thái tử và có tên là Tất Đạt Đa (Siddhartha,Don-grub). Phụ thân ngài là Tịnh Phạn (Shuddhodana, Zas gtsang-ma). Mẫu thân của Ngài là Ma Gia (Maya-devi, Lha-mo sGyu-‘ phrul-ma). Đức Phật được thụ thai một cách thần kỳ trong giấc mơ, bà Ma Gia thấy con voi trắng sáu ngà đi vào bên hông bà và lời tiên tri của nhà hiền triết A Tư Đà (Asita), rằng đứa bé sẽ trở thành một ông vua vĩ đại, hoặc một nhà hiền triết cao quý. Về sau, cũng có việc mô tả sự đản sanh thanh tịnh của Đức Phật từ bên hông của mẹ ngài ở một nơi không xa thành Ca Tỳ La Vệ, trong vườn Lâm TỳNi (Lumbini Grove, Lumbi-na’i tshal), việc Ngài bước đi bảy bước lúc đản sanh và nói “ta đã đến nơi”, cùng với cái chết của mẹ ngài sau khi sanh ra ngài.

–  Thời niên thiếu, Đức Phật sống một cuộc đời hoan lạc. Ngài lập gia đình và có một người con trai là La Hầu La (Rahula, sGra-gcan ‘dzin). Trong những bản văn về sau có ghi tên người vợ của ngài là Da Du Đà La (Yashodhara, Grags ‘ dzin-ma). Tuy nhiên, lúc hai mươi chín tuổi, Đức Phật từ bỏ cuộc sống gia đình và di sản hoàng tộc của mình, trở thành một người tầm đạo lang thang hành khất (dge-sbyong)

• Lịch sử ra đời và phát triển của Phật Giáo.

Sự phát triển của phật giáo ngày nay

Sự phát triển của phật giáo ngày nay

–   Đức Thích Ca Mâu Ni đã vì một đại nguyện lớn lao, một lòng từ vô lượng mà khước từ mọi hạnh phúc, quyền uy, tiện nghi vật chất để cầu đạo giài thoát. Và cũng với đại tâm đại nguyện ấy, sau khi chứng được đạo quả Vô thượng Bồ đề, Ngài đã dâng hiến thời gian cho công cuộc hằng hóa độ sanh. Đức Thế Tôn đã chu du khắp đất nước Ấn Độ thời xa xưa ấy, từ cực Bắc dưới chân núi Hymalaya, đến cực Nam bên ven sông Gange (sông Hằng).
Đức Thế Tôn đã dành những tuần lễ đầu tiên để chiêm nghiệm đến giáo pháp thậm thâm vi diệu mà Ngài đã chứng đắc, và thọ hưởng pháp lạc mà quả phúc mang đến. Pháp Cú kinh, kệ số 153-154, đã ghi lại một trong những Phật ngôn đầu tiên Ngài đã thốt lên trong thời gian này:
“Lang thang bao kiếp sống
                             Ta tìm nhưng không gặp
                             Người xây dựng nhà này
                            Khổ thay, phải tái sanh
                            Ôi! Người làm nhà kia
                            Nay ta đã thấy ngươi
                            Ngươi không làm nhà nữa
                           Đòn tay ngươi bị gẫy
                           Kèo cột ngươi bị tan
                          Tâm ta được tịch diệt
                          Tham ái thảy tiêu phong”
(Bản dịch của HT Thích Minh Châu)

Câu kinh như một lời ca khải hoàn, mô tả sự chiến thắng vẻ vang rực rỡ sau cuộc chiến đấu nội tâm thầm lặng gian nan. Ông thợ tượng trưng cho ái dục, vô minh, phiền não luôn ẩn sâu kín trong mỗi con người, nay đã bị phát hiện.

–  Đức Phật cũng đã để lại cho thế gian một bài học luân lý đẹp đẽ, đó là sự tỏ lòng tri ân sâu sa đối với cây bồ đề che nắng che mưa cho Ngài trong suốt thời gian tầm đạo. Đức Thế Tôn đã đứng cách một khoảng xa để chiêm bái đại thọ suốt trong một tuần. Sau này, nơi đây vua Asoka (A Dục) dựng lên một tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya, nay vẫn còn.

–  Đức Thế Tôn đã suy nghĩ đến giáo lý giải thoát sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh cao thượng, siêu lý luận, ly dục, vô ngã mà Ngài đã chứng đắc; còn chúng sanh thì luôn chìm sâu vào ái dục, định kiến, chấp ngã với nhiều thủ trước… Làm thế nào để con người dễ dàng chấp nhận giáo lý ấy? Và rồi, với trí tuệ của bậc giác ngộ, Đức Thế Tôn đã quan sát thế gian và thấy rằng: “Có hạng chúng sinh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời; có hạng độn căn, lợi căn; có hạng thiện tánh, ác tánh; có hạng dễ giáo hóa, khó giáo hóa… Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng, hồ sen trắng, sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vươn lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước; có loại sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước thấm ướt…” (Trung Bộ I). Và như vậy, với hình ảnh những cành sen vươn ra khỏi mặt nước, những cành ở lưng chừng, những cành ở sâu trong lòng nước v.v… đã gợi lên trong Thế Tôn về căn cơ bất đồng của mọi người. Có những căn cơ thấp như cánh sen ở đáy hồ, có những căn cơ trung bình như những cánh sen ở lưng chừng nước, cũng có những căn cơ cao có thể tiếp thu trọn vẹn giáo pháp của Ngài như những cành sen đã nhô ra khỏi mặt nước. Dù sống trong nghiệp quả bất đồng, nmỗi chúng sanh đều có hạt giống giác ngộ, như hoa sen dù sống trong bùn tanh hôi, vẫn tỏa hương thơm ngát.

Với ba lần thỉnh cầu và phát khởi thiện nguyện hộ trì giáo pháp của Phạm Thiên, Đức Thế Tôn quyết định gióng lên tiếng trống Pháp và bắt đầu thực hiện sứ mạng của mình. Ngài tuyên bố với thế gian, với loài người, với cõi trời và với tất cả, con đường đạo cứu khổ và diệt khổ, con đường dẫn đến cõi bất sanh bất diệt, cõi Niết bàn đã được khai mở: “Cửa bất tử rộng mở, cho những ai chịu nghe…” (Trung Bộ I). Và bánh xe Pháp bắt đầu chuyển vận.

Từ đây Phật Giáo bắt đầu ra đời và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay.
–  Mặc dù đạo Phật chưa bao giờ phát triển phong trào truyền giáo, tuy nhiên, các giáo huấn của Đức Phật lại lan xa và rộng trên tiểu lục địa Ấn Độ và từ đó, xuyên suốt cả Châu Á. Khi đến với mỗi nền văn hóa mới, các phương tiện và phong cách của đạo Phật lại được thay đổi để phù hợp với tâm lý của người dân địa phương, nhưng không ảnh hưởng đến những điểm tinh túy về trí tuệ và lòng bi mẫn. Tuy nhiên, đạo Phật chưa bao giờ phát triển một hệ thống cấp bậc nói chung về quyền lực, với một vị lãnh đạo tối cao. Mỗi quốc gia nơi đạo Phật lan truyền đến đều phát triển những hình thức riêng của nơi đó, cấu trúc tôn giáo riêng và vị lãnh đạo tinh thần riêng. Hiện nay, vị lãnh đạo đáng kính nổi tiếng trên thế giới trong số những vị lãnh đạo Phật giáo là Đức Dalai Lama của Tây Tạng.

–  Đạo Phật có hai nhánh chính. Tiểu thừa (Hinayana), hay Cỗ Xe Nhỏ, nhấn mạnh đến sự giải thoát cá nhân, trong khi Đại thừa (Mahayana), hay Cỗ Xe Lớn, chú trọng đến việc tu tập thành một vị Phật toàn giác để phổ độ chúng sinh một cách hoàn hảo nhất. Mỗi nhánh lại có nhiều phân nhánh. Tuy nhiên, hiện nay, ba hình thức chính còn tồn tại: một là Tiểu thừa, được biết như Theravada, ở Đông Nam Á, và hai nhánh Đại thừa, đó là các truyền thống Phật giáo Trung Quốc và Tây Tạng.

–  Truyền thống Tiểu thừa lan rộng từ Ấn Độ đến Tích Lan (Sri Lanka) và Miến Điện vào thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên, và từ đó đến Vân Nam (Yunnan), phía Tây Nam Trung quốc, Thái Lan, Lào, Cao Miên (Cambodia), miền Nam Việt Nam và Nam Dương (Indonesia). Không lâu sau đó, những chiếc túi của các thương nhân người Ấn Độ theo đạo Phật đã được tìm thấy ở vùng duyên hải Bán Đảo Ả Rập, và thậm chí xa hơn như Alexandria, Ai Cập. Các hình thức khác của Tiểu thừa cũng lan đi từ thời đó đến Pakistan, Kashmir, A Phú Hãn (Afghanistan), vùng phía Đông và duyên hải của Iran, Uzbekistan, Turkmenistan và Tajikistan ngày nay. Đây là những tiểu bang cổ xưa của Gandhara, Bactria, Parthia và Sogdia. Từ căn cứ này ở vùng Trung Á, các hình thức đạo Phật Tiểu thừa này lan rộng hơn vào thế kỷ thứ hai sau công nguyên đến phía Đông Turkistan (Xinjiang) và xa hơn vào Trung Quốc, rồi đến Kyrgyzstan và Kazakhstan vào cuối thế kỷ thứ bảy. Các hình thức Tiểu thừa sau đó được kết hợp với những nét đặc trưng của Đại thừa cũng đến từ Ấn Độ, để cuối cùng truyền thống Đại thừa trở thành hình thức chiếm ưu thế của Phật giáo tại hầu hết vùng Trung Á.

–  Hình thức Đại thừa của Trung Quốc sau này lan đến Đại Hàn, Nhật Bản và Bắc Việt Nam. Một làn sóng khác sớm hơn của Đại thừa, kết hợp với các hình thức Shaivite của Ấn Độ giáo, lan truyền từ Ấn Độ đến Nepal, Nam Dương, Mã Lai và các vùng ở Đông Nam Á, bắt đầu vào khoảng thế kỷ thứ năm. Truyền thống Đại thừa Tây Tạng, bắt đầu từ thế kỷ thứ bảy, kế thừa toàn bộ lịch sử phát triển của Phật giáo Ấn Độ, trải rộng khắp các vùng Hy Mã Lạp Sơn và đến Mông Cổ, Đông Turkistan, Kyrgyzstan, Kazakhstan, phía Bắc Nội Trung Hoa, Mãn Châu, Siberia và vùng Kalmyk thuộc Mông Cổ gần biển Caspian, thuộc phần Châu Âu của nước Nga.

–  Sự lan rộng của đạo Phật ở hầu hết Châu Á đã diễn ra một cách an hòa, theo nhiều cách. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã lập ra tiền lệ. Trước tiên, là một vị thầy, ngài đã đến các vương quốc lân cận để chia sẻ sự hiểu biết sâu sắc của mình với những ai có lòng quan tâm và muốn học hỏi. Tương tự như thế, ngài chỉ thị các tăng sĩ của ngài đi khắp nơi để giải thích những giáo huấn của mình. Ngài không kêu gọi người khác chỉ trích và từ bỏ tôn giáo của họ hay cải đạo theo đạo mới, vì ngài không tìm cách thiết lập tôn giáo riêng của mình. Ngài chỉ cố gắng giúp người khác vượt qua sự bất hạnh và khổ đau mà họ đang tạo ra cho chính mình, vì thiếu sự hiểu biết. Các thế hệ môn đồ sau này nhận nguồn cảm hứng từ tấm gương của đức Phật và họ chia sẻ với người khác các phương pháp của ngài mà họ thấy mang lại lợi lạc cho đời sống của họ. Đây là cách mà cái được gọi là “đạo Phật” hiện nay đã lan rộng và xa như thế nào.

Nguồn: budsas

Tổng số điểm của bài viết là: 11 trong 3 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây