Nhiều sắc thái của chữ hiếu qua một cuộc thi

Thứ năm - 01/09/2016 10:51
Cuộc thi sáng tác “Đạo hiếu và Dân tộc” do Ban Thông tin-Truyền thông GHPGVN tổ chức đã khép lại với những thành quả, để lại nhiều dư âm. Trong số hơn 3.000 tác phẩm dự thi, rất nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc và giàu cảm xúc, sắc thái thể hiện qua tấm gương của các nhân vật. Mỗi câu chuyện là một mảnh đời khác nhau với những sẻ chia chân thành, chan chứa nghĩa tình.
anh mecon

Mẹ & con


ĐĐ.Thích Tâm Hiệp (tỉnh Quảng Trị) với tác phẩm “Đĩa ngô đầu mùa” đã phác họa hình ảnh người mẹ Việt vô cùng dung dị và sâu sắc. Tác giả kể về những năm đất nước mới thống nhất, nơi nào cũng đói kém, nên ngô là loại cây trồng cứu đói chủ lực. “Hôm đó biết con về, mẹ tôi dậy từ sớm đun bếp củi vừa nấu nước sôi vừa để có củi để nấu ngô. Thói quen ở chùa phải thức dậy lúc 3 giờ sáng, nên về nhà tôi vẫn giữ giờ giấc đó. Nhờ vậy tôi quan sát được mẹ từ lúc bà thức giấc. Nếu ngủ như anh em ở nhà, tôi sẽ không bao giờ quan sát được lúc mẹ tôi dậy sớm thế nào…”.

Bằng hành động, chính người mẹ đã dạy các con về lòng biết ơn trong cuộc sống, từ biết ơn ông bà, tổ tiên, biết ơn quê hương đất nước. “In đậm vào tâm trí tôi là hình ảnh đĩa ngô đầu mùa. Chúng tôi xốn xang, xôn xao khi mẹ gắp những bắp ngô đầu tiên ra đĩa, tưởng được ăn ngay, nhưng mẹ quay ra bảo tôi, con đem đĩa ngô này đặt lên ban thờ tổ tiên cúng. Từ đó về sau, khi bắp ngô đầu mùa được gắp lên đĩa, chúng tôi biết là mẹ dành những bắp ngô to mập và ngon lành nhất để dâng lên tổ tiên. Bài học về nhớ ơn tổ tiên, anh em chúng tôi được mẹ trao truyền như vậy”.

Và “Bữa cơm được nấu bằng gạo mới, là bữa cơm thiêng liêng của người dân thôn quê. Và bát cơm đó phải được dâng lên tổ tiên chứng giám… Tôi nhớ có lần, chúng tôi xin mẹ chạy ra vườn trèo hái ổi ăn vì thấy ổi chín. Nhưng nếu là trái ổi đầu mùa mẹ cũng dặn chúng tôi, trái ổi đầu tiên được hái trên cây xuống phải sắp lên cúng tổ tiên rồi mới được ăn… Cho đến hôm nay, chúng tôi vẫn thấy lòng biết ơn của mình chưa đủ lớn. Còn biết ơn để biết học cách trả ơn là chúng tôi còn nhớ mãi lời mẹ dặn”.

Trong tác phẩm “Sự hiếu thảo của ba tôi”, tác giả Đinh Thành Trung đã viết về người ba của mình dù phải cắn răng chịu đựng đau đớn, nhưng kiên quyết không cưa chiếc tay bị thương. Lý do thực sự khiến cho chúng ta phải bất ngờ và lặng đi vì xúc động: “Trong một trận đánh, ba bị trúng đạn, bị thương nặng ở tay phải và đùi. Lúc đó cả ông bà đều ở xa, không thể gặp ba được. Bác sĩ nói tay của ba phải cưa, nhưng ba quyết định chịu đau để giữ lại: Không còn tay thì tôi không thể chăm sóc ba má được. Thật kỳ diệu là ba vẫn giữ được cánh tay đó nhưng nó đã bị mất một mảng, gần như không còn có thể hoạt động được nữa. Khi gặp bà, ba đã khóc rất nhiều, không phải vì đau mà vì nghĩ đến việc mình sẽ không báo hiếu được cho ông bà”.

Một người con dù trong hoàn cảnh thập tử nhất sinh, ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết nhưng cả trái tim và tấm lòng vẫn hướng trọn về người mẹ thân yêu nơi quê nhà, đang ngày đêm mong ngóng người con trai của mình ở chiến trường trở về sau cuộc chiến… Báo hiếu đâu phải là những hành động to tát hay vĩ đại, lớn lao ở đâu xa. Đơn giản chỉ là mong muốn giữ được cánh tay này để có thể giặt cho ba mẹ bộ quần áo, có thể quạt mát cho ba mẹ trong những đêm hè oi nóng, hay chỉ đơn thuần là ước mong cho cánh tay đủ khỏe để dìu đỡ  mẹ cha, là điểm tựa vững chắc để người bám vào khi tuổi đã xế chiều.

Câu chuyện “Người thương binh hiếu nghĩa” của tác giả Trường An sẽ khiến người đọc phải nghẹn ngào khi thấy được nghĩa cử cao đẹp. Trở về từ chiến trường khốc liệt, người lính ấy đã “mất đi một chân, hai tai thính lực giảm trên dưới bảy mươi phần trăm”. Tuổi thanh xuân anh đã để lại cho Tổ quốc, giờ đây chỉ còn nỗi khó khăn trăm bề, từ vật chất đến tinh thần. Mẹ của anh đã mất, chỉ còn lại một người mẹ khác, đó là người vợ cả của cha mình, nay đã già yếu và bệnh tật. Báo hiếu cho cha mẹ ruột của mình đã là điều khó, không phải ai cũng có thể làm tròn được bổn phận thiêng liêng và cao quý này. Ấy vậy mà anh thương binh ấy đã chăm sóc và phụng dưỡng cho người mẹ cả ốm yếu như mẹ đẻ của mình, cho đến ngày bà nhắm mắt xuôi tay.

Thời bao cấp, gia đình anh cũng như đồng bào cả nước nghèo đói và khốn khó vô cùng. “Một số người, trong đó có cả người ruột thịt, muốn giảm bớt gánh nặng cho vợ chồng anh, bàn đưa bà vào trại dưỡng lão. Anh nói với họ, phận bà bây giờ như con giun con dế, đưa đi đâu thì đi, bảo ở đâu thì ở. Bà không kêu ca, đòi hỏi và cũng không có quyền đòi hỏi ai. Tôi còn sống mà để bà bơ vơ trong trại dưỡng lão, lòng không đặng. Cứ để bà ở đây, ở đây mãi mãi, bà cháu, mẹ con no đói có nhau”. Chỉ một câu nói ấy thôi cũng đủ để chúng ta nhận ra tấm lòng của người con trai với người mẹ lớn đến nhường nào. Để rồi, cho đến phút cuối cùng trước khi nhắm mắt xuôi tay bà vẫn sống trong sự đùm bọc, chở che của người “con trai”, người suốt đời tận trung, tận hiếu với bà.

Bằng hành động của mình, anh Hòa đã làm tròn một đại hiếu (thực ra là một tiểu hiếu) trên đời này, ngay cả những người con ruột giàu có, lành lặn, mạnh khỏe như chúng ta cũng có khi khó lòng có được những hành động cao đẹp như vậy.

Tác giả Phan Thị Thanh Nga (Thanh Hóa) với tác phẩm “Con đã từng nghĩ sẽ không bao giờ tha thứ cho ba” kể về sự chuyển hóa trong nhận thức của những người con về hiếu hạnh với cha mẹ. Phần đầu là những lời phê phán, oán trách người cha của mình: “Vấn đề cơm áo gạo tiền trong gia đình đè nặng lên đôi vai nhỏ bé của mẹ tôi. Bố tôi là người khá vô tâm, nên mọi việc trong gia đình, nếu mẹ không lo thì tôi sẽ là người chủ động làm. Dù cố tỏ ra mạnh mẽ nhưng không ít lần tôi cảm thấy tủi thân vì ‘những ông bố thiên thần’ của bạn bè. Trước đây, vì cảm thấy mình thiệt thòi, bất hạnh nên tôi luôn ghen tị, khó chịu với những ai có hoàn cảnh tốt đẹp, hạnh phúc hơn mình. Lúc nào tôi cũng nghĩ cuộc sống thật bất công. Tại sao họ được sung sướng, hạnh phúc còn mình thì không?”.

Và cũng như biết bao người, cô gái đã có được sự chuyển hóa kỳ diệu  trong tâm hồn. “Chắc tôi sẽ căm ghét và mong muốn bố đẻ biến mất khỏi cuộc sống của mình nếu như tôi không được gặp Phật pháp. Biết đạo có lẽ là hạnh phúc lớn nhất cuộc đời tôi. Tôi hiểu được tất cả mọi sự việc trên đời đều có nhân quả, nghiệp báo. Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là một nhân duyên thật đặc biệt”. “Mỗi mùa Vu lan, cài lên ngực bông hoa hồng trắng, bạn tôi lại nức nở! Cha mẹ cũng là con người nên vẫn còn có những sai lầm, khuyết điểm. Phận con cái không nên phán xét, thù hằn mà hãy yêu thương và tha thứ”.

Những tác phẩm dự thi không chỉ tôn vinh những tấm gương hiếu đạo mà còn viết về những người con lỗi đạo, bất hiếu với đấng sinh thành của mình như một lời ăn năn hối lỗi. Ắt hẳn độc giả sẽ ngậm ngùi khi đọc tác phẩm “Vu lan nhớ mẹ ở trại phong” của tác giả Hồng Yến. Câu chuyện khiến độc giả chảy nước mắt, nhưng đó không phải là giọt nước mắt cảm động, mà là dòng lệ đầy xót xa, cay đắng với nỗi ân hận giày vò trong tim của người con “bất hiếu”.

Người con ấy đã từng mặc cảm khi có một người mẹ bị mang trong mình căn bệnh quái ác, bị người thân và dân làng hắt hủi kỳ thị, người con ấy đã thờ ơ với chính người mẹ của mình. Người mẹ tội nghiệp ấy đã ra đi một mình trong căn phòng rộng chỉ 10m2 nơi trại phong hiu quạnh. “Những sai lầm mà tôi mắc phải, sự hối lỗi, ăn năn của tôi giờ đây là muộn màng khi người mẹ thân yêu đã xa rời tôi mãi mãi… Những tưởng, cha mẹ vẫn đủ sức đứng sau dõi theo và che chở cho mình. Nhưng hỡi ôi! Khi quay đầu nhìn lại thì cha mẹ không còn!”.

Hình ảnh người mẹ mòn mỏi chờ con với khoảng trống lạnh ngắt trong lòng, ánh mắt nhớ thương con dầy da diết thật sự khiến người đọc bị ám ảnh. Đâu đó, chúng ta sẽ thấy bóng dáng của mình trong câu chuyện trên, khi nhận ra ta cũng đã từng để cha mẹ phải đợi chờ trong những đêm đông khuya khoắt, giá lạnh đến nao lòng. “Ngày hiếu ân người ta nhắc chuyện hiếu đạo còn tôi nhớ mẹ ở trại phong với nỗi ân hận của người con bất hiếu!”. Câu kết của tác phẩm như một lời cảnh tỉnh với tất thảy chúng ta. Hãy nhìn lại bản thân và cách đối xử với cha mẹ của mình. Hiếu kính đâu chỉ có một ngày hay một giờ, mà đó là tình yêu thương trong từng sát-na cuộc đời. Đừng để thời gian trôi đi vô ích, rồi một ngày chợt nhận ra thì cha mẹ đã xa mãi mãi rồi.

Một tác phẩm để lại ấn tượng khác là “Người thổi kèn đám ma” của tác giả Trương Thanh Liêm ở TP.Cần Thơ. Tuy là một tác phẩm văn học, nhưng đã khái quát được tất cả những cách thức về nghi lễ đám ma truyền thống của văn hóa dân tộc Việt. Cũng như cách những người con thể hiện nghĩa cử cuối cùng đối với đấng sinh thành khi đã mất. “Nghĩa tử là nghĩa tận”, không chỉ thể hiện cách hành xử với người đã khuất, qua đây còn là lăng kính để soi rọi vào đời sống nội tâm của mỗi con người. Tưởng chừng tác phẩm không nói gì đến hiếu hạnh, chỉ nói về những trải nghiệm của một người thổi kèn đám ma, nhưng nó lại là tấm gương phản chiếu những biến tướng trong xã hội ngày nay.

“Người thổi kèn đám ma” để lại nỗi ảm ảnh bởi từng lời tâm sự của một người mẹ  già luôn cô độc giữa không gian quạnh quẽ khiến ta buồn đến nao lòng: “Tao cũng buồn lắm. Thuở đời nay, bảy tám đứa con, nuôi tới lớn ăn học đề huề, ruộng đất bao nhiêu tao cũng bán sạch miễn tụi nó ăn học tới nơi tới chốn. Giờ đứa làm giám đốc, đứa bác sĩ, đứa kỹ sư. Vậy mà… Cụ im lặng với đôi mắt đỏ hoe”. Cụ luôn mong muốn được ăn một bữa cơm đầy đủ con cháu quây quần và sum họp ấm áp, ước mơ ngỡ giản dị mà sao lại khó thực hiện đến thế. Để rồi cái ngày cụ mong ngóng con cháu tập trung về đông đủ  ấy lại chính là ngày mà cụ ra đi mãi mãi.

Các tác phẩm dự thi sáng tác “Đạo hiếu và Dân tộc” chính là những tâm tư, tình cảm của các tác giả đại diện cho những người con thể hiện lòng biết ơn tới công lao trời biển của cha mẹ, của cộng đồng tới những người có công với đất nước. Đọc các tác phẩm dự thi đôi khi chúng ta thấy hình ảnh của mình trong đó, có những lời tưởng chừng như đơn giản nhưng sao khó nói đến thế… Mỗi câu chuyện như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng nhưng đầy sâu sắc đối với mỗi cá nhân chúng ta, đánh thức những tình cảm thiêng liêng tưởng như đã bị lãng quên trước dòng chảy thời gian.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây