Pho Đại tượng Phật Di Đà giữa lòng Nhật Bản

Thứ sáu - 16/12/2016 09:00
Bên cạnh niềm tự hào là xứ sở Mặt trời mọc, với hoa anh đào thơm ngát và chiếc áo kimono mang đậm tính dân tộc, Nhật Bản còn được biết đến là vùng đất có truyền thống Phật giáo từ lâu đời. Và trong số những biểu tượng Phật giáo nổi bật nhất tại đây, không thể không nhắc đến pho tượng Ushiku Daibutsu (牛久大仏), được mệnh danh là một trong ba tôn tượng họa Đức Phật A Di Đà lớn nhất thế giới.
Chua Han Son tuong Phat ADiDa


Lịch sử hình thành

Được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XX, tọa lạc tại ngôi làng Ushiku, thuộc tỉnh Ibaraki, cách thủ đô Tokyo khoảng 100km về hướng Đông bắc, tượng Phật A Di Đà được người dân nơi này ưu ái gọi theo tên của vùng đất này, Ushiku Daibutsu (tức Đại tượng Ushiku).

Khu vực Ushiku trước đây tồn tại một trong những nghĩa trang lớn của phái Jodo Shinshu (Tịnh độ Chân tông phái). Môn phái này được thành lập năm 1224, bởi Thiền sư Shinran, với xuất phát điểm là môn phái Jodo (Tịnh độ) do Thiền sư Honen khởi tạo năm 1175 tại Nhật Bản. Tịnh độ Chân tông phái nhanh chóng thu hút được nhiều tín đồ ở tất cả các tầng lớp xã hội khác nhau, vì lý thuyết đơn giản và dựa trên nguyên tắc là niềm tin tuyệt đối vào Đức Phật A Di Đà, mà theo họ Ngài sẽ tiếp dẫn linh hồn con người đến cõi Cực lạc.

Trên tinh thần đó, Đại tượng Phật A Di Đà Ushiku Daibutsu được dựng lên vào những năm 1993, trở thành một trong những dấu ấn của hệ phái Jodo thời kỳ đỉnh cao. Đồng thời, đây còn là cách để tưởng nhớ Thiền sư Shinran, người đã tạo nên Tịnh độ Chân tông phái ngày nay, ngay trên mảnh đất quê hương của ngài, thành phố Ushiku.

Một kiệt tác của thời đại

Bên cạnh ý nghĩa là biểu tượng thiêng liêng cho một hệ phái nói riêng, thể hiện sự sáng tạo trong đường lối kiến trúc và trình độ điêu khắc của người Nhật Bản cuối thế kỷ XX, tượng Phật A Di Đà Ushiku Daibutsu còn được biết đến là một trong những công trình tôn giáo hiện đại bậc nhất cho đến nay.

Tượng được xây dựng từ khối bê-tông cốt thép khổng lồ lên đến 4.000 tấn và bao bọc bằng 6.000 phiến đồng bên ngoài. Với tổng chiều cao đến 120m, tượng chính thức được xác lập kỷ lục Guinness là tôn tượng Phật A Di Đà bằng đồng cao nhất thế giới năm 1996 và trở thành một trong những kỳ quan của nhân loại do tổ chức UNESCO công nhận.

Xét về tổng thể, tượng A Di Đà nổi bật với những thông số kỹ thuật đầy ấn tượng. Tượng được đặt theo tư thế đứng trên đài sen cao 10m, phía dưới còn có bệ đỡ cũng cao 10m. Từ thân đến phần đầu, tượng cao vào khoảng 100m, cùng độ vươn của tay trái lên đến 18m. Đặc biệt, phần đầu với những búi tóc được chạm trổ tỉ mỉ, đồng đều theo đường kính 1m và ước tính tổng trọng lượng vào khoảng 200kg. Bên cạnh đó, còn phải nhìn nhận trình độ điêu khắc và lắp ghép tượng đồng của những nghệ nhân Nhật Bản đạt đến đỉnh cao, thể hiện qua từng đường nét trên khuôn mặt tượng, lột tả chân thật hình ảnh Đức Phật A Di Đà mang đậm phong cách hệ phái Jodo Shinshu xưa.

Nếu sự hùng vĩ, đồ sộ tạo nên niềm ngưỡng mộ cho bất cứ ai ngắm nhìn tôn tượng Đức Phật từ bên ngoài, thì khi tiến vào bên trong, khung cảnh lại như mở ra một thế giới hết sức tĩnh lặng, yên bình đến khó tả. Với cấu trúc được chia thành 5 tầng, độ cao lên đến 85m, nơi đây được mở ra nhằm phục vụ cho du khách có dịp được chiêm bái tượng Phật, lắng nghe kinh tạng và giáo lý Phật pháp, đồng thời tìm mua cho mình những món quà lưu niệm về tượng Phật A Di Đà Ushiku Daibutsu.

Điều đặc biệt của quần thể kiến trúc bên trong lòng tượng là mỗi tầng đều được đặt tên khác nhau, theo tên những thế giới, nơi chư Phật hiện hữu. Như tầng 1, với tên gọi Thế giới Quang minh (Hikari no Sekai), là nơi khơi dậy nhiều cảm xúc nhất cho bất cứ ai đặt chân đến. Những luồng sáng mờ ảo nhiều màu sắc, kết hợp cùng những phù điêu được chạm khắc uốn lượn như từng vầng khói đang bay giữa không trung, hòa với âm thanh du dương, huyền diệu. Điểm nhấn cho nơi này là bức tượng Phật A Di Đà nhỏ nằm ở trung tâm, được chiếu bằng một luồng sáng duy nhất, rọi từ trên đỉnh đại tượng xuống, tạo thành vệt sáng vô cùng đặc sắc. 

Lên tầng 2, du khách lại được đắm mình trong Thế giới Tri ân báo đức (Chion Hodoku no Sekai), nơi có những chiếc bồ đoàn được xếp ngay ngắn thành hình vòng cung chung quanh tầng, để mọi người ngồi chiêm nghiệm lời Phật dạy, cầu nguyện những điều tốt đẹp và thiền định trong tiếng kinh vang vọng. Không gian này được biết đến như đúng tên gọi của nó, là nơi mỗi người dành một khoảng lặng, trải lòng để tri ân, cảm tạ những gì mình có được hôm nay đến chư Phật, chư Bồ-tát và vạn hữu. 

Vào mỗi dịp cuối tuần, khu vực này còn được dùng để các vị thiền sư thuyết giảng và ai cũng có thể tham gia. Di chuyển bằng thang máy đến tầng 3, du khách tiếp tục cuộc hành hương vào Thế giới Liên hoa tạng (Rengezo no Sekai), nơi chứa đựng hơn 3.000 pho tượng Phật A Di Đà lớn nhỏ mạ vàng, trong tư thế đứng, cao từ 30cm - 1m, được ốp vào từng ô, trải dài theo bức tường một cách trang nghiêm. Mỗi pho tượng như vậy có giá khoảng 3.000 USD. Theo đó, người mua sẽ được khắc tên gia đình mình lên phần dưới - phía trước tượng Phật. Người dân vùng Ushiku quan niệm, được đặt tên gia đình, người thân hay họ tộc của mình lên tượng Phật A Di Đà, là một cách để sau này khi mất sẽ được Đức Phật hộ trì, tiếp dẫn linh hồn đến cõi Tịnh độ, hay sẽ nhận được sự bảo hộ của Đức Phật đời này và nhiều đời nữa.

Cuối cùng là tầng 4 và 5, Linh ưng sơn gian (Ryojyusen no Aida). Đây là nơi trưng bày những mặt hàng lưu niệm về tượng Phật A Di Đà Ushiku Daibutsu, như các mô hình tượng Phật thu nhỏ, các biểu tượng, con dấu Phật giáo bằng kim loại với họa tiết bắt mắt, các bức tranh họa hình tượng chư Phật của các nghệ nhân xưa, hay du khách có thể tìm hiểu thêm nhiều thông tin về quá trình hình thành Đại tôn tượng Phật A Di Đà v.v… 

Ngoài ra, một trong những điểm thu hút du khách nhất khi đến với lòng tượng Ushiku Daibutsu là việc được ngắm nhìn toàn cảnh tỉnh Ibaraki bằng đài viễn vọng từ độ cao 85m, qua các ô cửa kính ở phía ngang ngực tượng. Được biết, vào những ngày thời tiết đẹp, từ đây, người ta còn có thể chiêm ngưỡng được cả tháp truyền hình Sky Tree ở Tokyo và đỉnh núi Phú Sĩ ở tỉnh Yamanashi, hai biểu tượng nổi tiếng của xứ sở Mặt trời mọc.

Đại tượng Phật an nhiên giữa thảm hoa tươi ngát

Ra khỏi không gian bên trong lòng tượng Phật, khách tham quan không khỏi quyến luyến nơi này, khi xung quanh Đại tượng A Di Đà cao vút giữa một vùng trời, luôn luôn tràn ngập những thảm cỏ xanh mướt, với những cung đường hoa nở rộ theo mùa.

Một góc nội thất bên trong tôn tượng

Bên cạnh tôn tượng là một khuôn viên với cây cảnh, hồ nước, những chậu bonsai trứ danh của người Nhật, tạo nên không gian trong lành, hài hòa với thiên nhiên, theo đúng tinh thần Phật giáo. Đồng thời, nơi này còn được gieo trồng, tạo hình nhiều loại hoa đặc trưng của Nhật Bản, khi đến mùa nở rộ vào khoảng độ tháng 2 - 4, sẽ tạo nên những thảm màu rực rỡ như tím, trắng của hoa Chiba và cả thiên đường màu hồng thơm ngát của hoa anh đào. Vào mùa lễ hội của tỉnh Ibaraki, khu vườn thiên đường này cũng thường được chọn làm nơi tổ chức các hoạt động như bắn pháo hoa, hội trại mùa hè, hay chào mừng năm mới…

Đi vòng về phía sau đại tượng là không gian yêu thích dành cho các cháu thiếu nhi, đó là mô hình sở thú thu nhỏ, với các loại động vật gần gũi như đảo Thỏ con, khu vực nuôi thỏ, sóc, dê… mà trẻ em có thể cùng chơi đùa với chúng; hay những chuồng khỉ, heo rừng… thường diễn ra các hoạt động xiếc vui nhộn.

Tất cả khung cảnh đó như góp phần tô điểm thêm cho vẻ đẹp của Đại tượng Phật A Di Đà Ushiku Daibutsu, giữa một không gian tự nhiên, dân dã nhưng không kém phần trang nghiêm, thanh tịnh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây