Lời nói chân chính sẽ có sức thuyết phục lâu dài

Thứ năm - 03/08/2017 14:49
Một lời nói nhẹ nhàng chân thành luôn có năng lượng bình yên làm cho chúng ta được an vui hạnh phúc, khi ta tiếp xúc với nhau bằng sự yêu thương có cảm thông và tha thứ. Có nhiều người chỉ thích nói sự thật, thấy sao nói vậy chứ không khéo nói để được lòng thiên hạ, họ tôn trọng sự thật nên nói lên sự thật, mà sự thật thường phũ phàng nên dễ gánh lấy hậu quả đau thương.
Trong cuộc sống hằng ngày, để có thể hiểu biết nhau, thông cảm nhau, thương yêu nhau và đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau, con người dùng lời nói để làm phương tiện trao đổi thông tin mà cùng nhau sống vui vẻ hòa hợp. Ðôi khi khác vùng miền không cùng ngôn ngữ, nhưng con người cũng có thể hiểu biết nhau qua dáng điệu, cử chỉ, nét mặt, thái độ, hay giọng nói.


Con người sinh ra để được sống yêu thương là nhờ lời nói, cho nên chúng ta không khen ngợi người đáng chê trách và không nên chê bai người đáng được khen ngợi. Lời nói chân thật có tác dụng sẻ chia rất lớn nhưng rất khó nghe đối với người hay gian dối dua nịnh. Cho nên lời nói là phương tiện truyền đạt kiến thức hiểu biết, để cho mọi người hòa hợp, cùng làm việc với nhau mà có sự cảm thông trong các mối quan hệ của cuộc sống. 

Không có lời nói để trao đổi thông tin, cuộc sống sẽ trở nên vô nghĩa và buồn tủi đến chừng nào. Nhưng theo tâm lý học Phật giáo, nói pháp để cho mọi người tin sâu nhân quả mà hay làm các việc tốt lành và không làm các việc xấu ác. Đó là lời nói chân chính phát xuất từ tâm rộng mở, có sức thuyết phục, giúp người chuyển hóa nỗi khổ niềm đau thành an vui hạnh phúc. Và cách thức thứ hai là biết im lặng như pháp là một cách thức biểu đạt chánh niệm tỉnh giác cao độ, để chuyển hóa những lời nói dối gạt, phù phiếm, nặng nề làm cho người nghe cảm thấy khó chịu bất an. 

Lúc nào cần nói thì nói không thì thôi, lời nói phải sử dụng đúng lúc, đúng nơi, đúng thời, đúng chỗ. Lời nói tán thán tôn vinh ca ngợi là chất liệu cần thiết trong cuộc sống, nhằm để động viên và khuyến khích mọi người cùng nhau làm tốt trong mọi công việc. Tuy nhiên sự tán thán ấy phải phù hợp với việc làm của họ, không nên khen ngợi người làm việc xấu ác có tính cách hại người, hại vật hoặc không nên chê bai người làm việc tốt lành luôn giúp ích cho nhiều người. 

Khi hướng dẫn cho ai một điều gì thì ta đừng nên quá khắt khe, hoặc chỉ lỗi cho ai thì cũng đừng quá vội vã, nóng nảy hay nói trước mặt nhiều người dễ làm cho người đó tự ái rồi sinh ra giận dỗi, hờn mác, mà không có thiện cảm với ta. Chúng ta vốn có một tài sản vô giá quý báu có thể giúp cho mọi người sống an vui hạnh phúc mà không cần phải tốn tiền bạc hay công sức gì hết, đó là lời nói tế nhị nhẹ nhàng, dễ thương hiền hòa, chất phác nhưng có sức thuyết phục lòng người. 

Thật ra bản chất của lời nói không thể nào diễn tả hết các tâm tư tình cảm của một con người, nhưng một lời nói tốt có thể giúp ta giảm bớt nỗi khổ niềm đau khi gặp khó khăn bất hạnh. Con người do lòng tham lam ích kỷ do chấp ngã và chiếm hữu, nên có thể dùng những lời nói hoa mỹ trau chuốt để lừa gạt người khác. Cho nên một lời nói tế nhị, nhẹ nhàng êm ái của kẻ hay tâng bốc, nịnh hót, luôn có lưỡi câu phía sau, dễ đưa con người ta vào chỗ đọa lạc khốn cùng. 

Ngày nay biết bao cô gái trong tuổi còn non dại vì nhẹ dạ cả tin mà bị lời nói làm lay động con tim nên đã hiến dâng đời mình cho những gã sở khanh. Khi ta dùng lời nói bằng một tâm thanh tịnh trong sáng thì nó có sức thuyết phục được nhiều người lắng nghe cảm thấy được bình an và hạnh phúc. Nói chung để được sống yêu thương bằng trái tim hiểu biết, ta phải biết nói lời bao dung độ lượng nhằm chuyển hóa các tâm trạng bạo động hận thù và vực dậy các tâm hồn yếu đuối để ta và người cùng chia vui sớt khổ cho nhau. 
 

Một lời nói nhẹ nhàng chân thành luôn có năng lượng bình yên làm cho chúng ta được an vui hạnh phúc, khi ta tiếp xúc với nhau bằng sự yêu thương có cảm thông và tha thứ. Có nhiều người chỉ thích nói sự thật, thấy sao nói vậy chứ không khéo nói để được lòng thiên hạ, họ tôn trọng sự thật nên nói lên sự thật, mà sự thật thường phũ phàng nên dễ gánh lấy hậu quả đau thương.

Ai cũng biết lời nói thật lúc nào cũng quý báu, nhưng thuốc đắng dã tật, người thật mất lòng. Ở đời ít ai đủ can đảm nhìn nhận sự thật nên đa số sống trong giả dối phỉnh lừa mà làm tổn hại cho nhau. Nhất là nói sự thật với những người có quyền thế dễ bị mang họa vào thân do sĩ diện bản ngã quá lớn. Nói sự thật là một điều tốt, nhưng ta phải biết khéo léo nếu không dễ làm cho người khác tự ái mà tìm cách trả thù. Vì vậy, nói sự thật chưa hẳn là giải pháp tốt để giúp mọi người thăng hoa trong cuộc sống. Bậc hiền trí khi nghe lời nói thật mà thầm khen ngợi và tán thán người đó vì dám nói dám làm dám chịu trách nhiệm lời nói của mình.

Nhưng, nếu nói sự thật để bảo vệ chân lý sống cho nhân loại, bảo vệ lợi ích cho nhiều người thì dù có chết ta vẫn phải nói. Nhưng nếu nói sự thật để làm cho người khác bị gục ngã, mà không được sống yêu thương và hiểu biết thì ta phải khéo léo nói khác đi một chút. Nói là khả năng đặc biệt của một con người là phương tiện nối kết yêu thương hữu hiệu nhất để chúng ta có sự cảm thông và gắn bó với nhau hơn trong cuộc sống. 

Nhưng ngược đời thay cũng lời nói đó, đem áp dụng với người này thì có hiệu quả tốt nhưng đem đến người kia thì sứt mẻ tình cảm của đôi bên. Lời nói yêu thương hay lời nói khéo giúp cho ta nâng đỡ được người kia lên, nhờ vậy lúc nào cũng thấy cuộc đời là thiên đường của hạnh phúc. Một lời nói ác ý thiếu cảm thông có thể dìm con người ta xuống địa ngục trần gian nên lúc nào cũng thấy đời là bể khổ. Người dám phê bình ta, mà phê bình đúng, người đó là thầy ta, người hay khuyên nhủ ta làm điều tốt luôn an ủi ta, giúp ta vượt qua nghịch cảnh là bạn tốt, ta hãy nên kết thân với người này. 

Người hay gian dối, nịnh bợ, tâng bốc ta để được quyền cao chức trọng, không sớm thì chày người đó sẽ hại ta trong nay mai. Quả thật sống trong thế gian này nếu không có lời nói thì con người không thể truyền thông hiểu biết cho nhau, để cùng nhau làm việc, để cùng nhau yêu thương, để cùng nhau sẻ chia, để cùng nhau tâm tình và để cùng nhau chia vui sớt khổ. Lời nói chân tình, lời nói thành thật, lời nói nhẹ nhàng, lời nói cảm thông, lời nói tha thứ, lời nói yêu thương là cách thức góp phần làm cho con người ta an vui hạnh phúc mà cùng nhau sống bằng trái tim hiểu biết. 

Hạnh lắng nghe của Bồ tát Quán Thế Âm là một nghệ thuật để cho ta sống có hiểu biết và yêu thương, do đó mỗi người đều có hai tai, nhưng chỉ có một cái miệng. Miệng có hai nhiệm vụ một là được ăn để mà sống, hay là nói để truyền đạt thông tin hiểu biết cho nhau. Chính vì vậy ta có hai tai để lắng nghe nhiều hơn, ta lắng nghe và biết cảm thông nỗi đau của người khác. Còn miệng có hai tác dụng một là để ăn và hai là để nói, cho nên chúng ta ít nói mà dành bớt phần cho ăn và khi ăn ta phải ăn trong chánh niệm tỉnh thức. 

Cho nên tranh cãi giành hơn thua không biết nhường nhịn lẫn nhau, không biết tôn ti trật tự, không biết dung hòa nhau, để mà sống đó là nguyên nhân làm thiệt hại cho nhau. Một hôm, đầu rắn và đuôi rắn cãi nhau kịch liệt giành phần chủ động trong việc điều hành làm việc. Đầu rắn nói, tao có mắt để thấy nhờ vậy mà không bị lạc vào chỗ hiểm họa, có miệng để ăn mà nuôi sống cái thân này nên tao làm chủ. Đuôi rắn không chịu nên cãi lại, mày là thằng ăn bám chỉ biết dựa vào thân tao để mà sống, nếu tao không hỗ trợ cho mày thì đừng hòng mà bò đi kiếm ăn. 

Nói xong đuôi rắn quắn chặt vào cây suốt mấy ngày liền không nhúc nhích. Đầu rắn bí quá nên không còn cách nào khác, đành nhượng bộ cho đuôi rắn. Đói lã mấy ngày, đuôi rắn bò đi kiếm ăn một cách huênh hoang không có sự giúp đỡ của đầu rắn nên bò không được bao xa, cuối cùng nó bị chim bìm bịp xơi tái. 

Thân chúng ta hằng ngày sống và làm việc tốt hay xấu đều do tâm chỉ đạo điều hành, thân là vật phụ thuộc. Nếu chúng ta không biết sắp xếp hài hòa thì sẽ dẫn đến tranh cãi, bất đồng ý kiến với nhau, nên không sẵn sàng hỗ trợ cho nhau, cuối cùng dẫn đến bất hòa rồi tìm cách làm tổn hại cho nhau. Tranh cãi để giành phần hơn thua rất nguy hiểm, bởi vì ta nghĩ rằng mình hơn mọi người thì được quyền chỉ đạo sắp xếp, nhưng ta không hiểu mỗi người có phần có việc khác nhau mà hỗ trợ cho nhau để hoàn thành nhiệm vụ. 

Một mình ta không thể gồng gánh làm hết mọi việc, một tổ chức có người lãnh đạo, có người làm việc trí óc, có người làm việc tay chân, nhờ biết kết hợp nhuần nhuyễn nên cùng đóng góp lợi ích chung cho nhân loại. Lời nói khi thốt ra ta lấy chữ tín làm đầu, không nên hứa rồi mà lỗi hẹn, không nên nói dối, nói xảo, nói xạo, vì những việc ngoài khả năng của ta, ta không nên hứa suông để làm người thất vọng hoặc dùng lời nói khéo để lừa bịp người khác. 

Ta không nên nói việc gì khi chưa rõ sự thật, không nên vội vã phát biểu ý kiến hay loan tin để tránh gây hậu quả không tốt cho nhau. Để được kết nối yêu thương trong sự giao tiếp, ta cần phải nói rõ ràng chậm rãi, không quá nhanh và cũng không quá chậm để người nghe dễ dàng tiếp thu mà có sự cảm thông để cùng sống hòa hợp với nhau. 

Thế gian là một trường đời hỗn hợp đa dạng và phức tạp khó hiểu khó biết, bởi vì căn tính chúng sinh chẳng đồng, bị nghiệp tham sân si cuốn hút nên khó có thể dùng lời nói để thuyết phục mọi người cùng sống yêu thương với nhau. Chính vì vậy lời nói là thước đo của lòng người, nên ta phải biết rèn luyện tu tập, lời nói sao cho vừa lòng người, mà không phải bằng cách gian dối dua nịnh để làm tổn hại cho nhau. Do đó học ăn thì dễ, nhưng học nói phải suốt đời chưa chắc đã làm xong, cho nên mọi người phải thận trọng trong lời nói để ta và người cùng sống yêu thương hơn. Sống ở đời lý trí và tình cảm thường đi đôi với nhau. 

Tình cảm là con tim, lý trí là khối óc, nếu ta biết quân bình vận dụng khối óc và con tim nhịp nhàng thì cuộc sống mới được bình yên hạnh phúc. Con người quá tình cảm mà không có lý trí thì dễ trở thành gian dối hại người. Ngược lại, nếu có lý trí mà thiếu tình cảm thì đời sống con người trở nên khô khan. Do đó, ta phải biết vận dụng từ ý nghĩ trước, để khi phát ra lời nói làm đẹp lòng nhau mà không phải gian dối dua nịnh.

 Tôi có thói quen nói lớn tiếng và hay phê bình người khác dù đó là người ơn. Đó là nhược điểm lớn của tôi qua lời nói, cho đến khi mẹ tôi mất, tôi mới bắt đầu giảm bớt sự hung hăng nóng nảy qua lời nói, bằng cách ít tranh cãi hơn và dùng nụ cười để đối nhân xử thế. Nhờ vậy, tôi đang có bước đột phá về tập nghiệp nói lớn tiếng và phê bình chỉ trích người khác. 

Tôi đã cố gắng tán dương và khen ngợi mọi người nhiều hơn, chứ không có thái độ phán xét như trước kia nữa, nên bây giờ tôi đã bớt cau có hơn ngày xưa rất nhiều. Tôi đang tu mà, tu có nghĩa là sửa là thay đổi các thói quen xấu, tôi nói ra bằng tấm lòng thành khẩn với tâm hổ thẹn vì biết ơn nhiều người, đã giúp cho tôi có cơ hội làm mới lại chính mình, qua lời nói. Kính mong rằng chư huynh đệ pháp lữ gần xa hãy sử dụng lời nói như là một sự kết nối yêu thương, để chúng ta mở rộng tấm lòng đón những niềm vui trong cuộc sống. 

Và tôi xin tặng em câu chuyện khen ngợi khích lệ qua lời nói. Có một anh thợ sau khi hớt tóc xong cho một vị khách đầu tiên, anh ta soi gương rồi nói, sau tóc tôi còn quá dài. Anh thợ vui vẻ cười nói, tóc dài trông anh lịch lãm hơn, làm cho khuôn mặt anh trẻ trung hơn, rất hợp với sở thích của anh. Khách nghe xong vui vẻ ra về và hẹn lần sau đến hớt tiếp. Rồi người khách thứ hai lại đến anh thợ cắt xong, người khách soi gương nói sao tóc cắt ngắn quá. Anh thợ mỉm cười giải thích: “Tóc ngắn trông anh phúc hậu, hiền lành, giản dị, làm cho mọi người khi gặp anh họ cảm thấy an ổn nhẹ nhàng”. Khách nghe xong vui vẻ hớn hở ra về, không quên hẹn lần sau sẽ đến.

Tôi không có gì để cho người, chỉ có chút niềm vui qua lời nói mong rằng mang đến cho thế nhân cảm nhận sâu sắc hai mặt phải trái của lời nói. Vì... phải trái rụng theo hoa buổi sớm, danh lợi lạnh với trận mưa đêm… mọi thứ đều bị cuốn trôi chỉ còn lại một bầu trời sáng trong.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây