Thăm căn cứ khởi nghĩa Ba Đình

Thứ năm - 07/07/2016 17:06
Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, xã Ba Đình (Nga Sơn) được biết đến như một biểu tượng cho tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của tình đoàn kết làm nên sức mạnh quật khởi chống thực dân Pháp và bè lũ tay sai, góp phần cùng quân và dân cả nước giành độc lập dân tộc.
Niềm tự hào về vùng quê kiên cường đã ăn sâu trong tâm thức của biết bao thế hệ người dân nơi đây, trở thành động lực để đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã ra sức phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
than di tich ba ding nga son
Ông Trịnh Ngọc Phan giới thiệu về căn cứ Ba Đình qua sa hình mô phỏng được trưng bày tại phòng truyền thống xã Ba Đình (Nga Sơn). Ảnh: Xuân Minh

Ngược dòng lịch sử
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu về khu di tích lịch sử căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Trung Thông đã giới thiệu gặp ông Trịnh Ngọc Phan, 83 tuổi, cán bộ lão thành cách mạng, là người tâm huyết, dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu về lịch sử chiến khu Ba Đình. Qua câu chuyện và dẫn chứng cụ thể của ông Phan, chúng tôi đã cảm nhận được những tháng ngày chiến đấu hào hùng của nghĩa quân Ba Đình năm xưa. Tên gọi Ba Đình xuất phát từ việc ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh và Mỹ Khê mỗi làng đều có một đình. Đây là khu vực đồng chiêm trũng nên vào mùa nước nổi, cả ba làng bị tách biệt hoàn toàn so với bên ngoài. Từ đình làng này có thể nhìn thấy được đình làng kia. Dựa vào địa thế hiểm trở nên chiến khu Ba Đình được xây dựng trên địa bàn ba làng ấy. Đây được xác định là một căn cứ quân sự lớn, xây dựng trong cuộc khởi nghĩa Ba Đình (1886 - 1887) phục vụ cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược do Đinh Công Tráng, Phạm Bành và nhiều sĩ phu yêu nước khác đứng lên theo phong trào Cần Vương, sau đó trở về quê gây dựng cuộc khởi nghĩa ngay tại quê nhà rồi chọn Ba Đình là khu căn cứ địa để kháng chiến. Tại đây, các lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa đã cùng nhân dân ba làng Thượng Thọ, Mậu Thịnh, Mỹ Khê và nhân dân một số huyện lân cận tập trung xây dựng Ba Đình thành một khu căn cứ trọng yếu. Nghĩa quân và nhân dân đã trồng nhiều lũy tre dày đặc xung quanh để chống lại đạn pháo của giặc. Chiến khu Ba Đình là căn cứ địa rất quan trọng trong việc kiểm soát tuyến giao thông từ Bắc vào Nam nói chung, địa phận Thanh Hóa và Ninh Bình nói riêng. Trong những năm tháng kháng chiến, nghĩa quân Ba Đình đã nhiều lần chiến đấu và giành thắng lợi trước các cuộc tấn công đàn áp của thực dân Pháp. Thậm chí, năm 1886, nghĩa quân còn liên tiếp mở rộng tấn công các phủ, thành huyện lị, chặn đánh các đoàn xe, các toán quân lẻ gây nhiều thiệt hại và làm chấn động tinh thần, là nỗi khiếp sợ của quân Pháp...

Nhịp sống hôm nay
Phát huy truyền thống lịch sử của quê hương, Đảng bộ và nhân dân xã Ba Đình đã ra sức khắc phục khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng đổi mới về mọi mặt. Sự đổi thay dễ nhận thấy nhất đó là hệ thống đường giao thông nông thôn được xây dựng khá hoàn chỉnh giúp cho việc đi lại thuận tiện, dễ dàng của nhân dân; những ngôi nhà kiên cố, các trường học, trạm y tế mọc lên khang trang, hiện đại; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao... Theo đồng chí Hoàng Trung Thông, Bí thư Đảng ủy xã Ba Đình, thì “chìa khóa” tạo nên sự thành công ấy chính là do đảng bộ và nhân dân trong xã biết phát huy sức mạnh đại đoàn kết, chung sức, đồng lòng cùng vượt qua khó khăn, thử thách, tiếp bước những lớp người đi trước. Với tinh thần chủ động, linh hoạt trong mỗi việc làm, đồng thời dựa vào truyền thống lịch sử của quê hương và điều kiện thuận lợi để xây dựng chương trình hành động sát với thực tiễn của địa phương, trong đó chú trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và tạo niềm tin, sự đoàn kết trong nhân dân được xem là yếu tố quan trọng quyết định cho mọi sự thắng lợi. Do vậy, nhiều nhiệm vụ khó khăn, như: Làm đường giao thông nông thôn, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, dồn điền, đổi thửa, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động... đã được nhân dân trong xã đồng tình, ủng hộ và thực hiện tích cực, hiệu quả. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, đổi mới theo hướng khoa học, năm 2014, kinh tế của xã tăng trưởng khá. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 51,4 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người 17 triệu đồng; toàn xã có 46 trang trại, gia trại, đến nay xã đã xây dựng được 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành 19/19 tiêu chí; nếu như năm 2010 số hộ nghèo của xã là 26,4%, thì đến năm 2014 giảm còn 13,04%, số hộ khá, giàu tăng nhanh...

Nhịp sống mới trên quê hương Ba Đình đang đổi thay từng ngày, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây đã và đang phát huy truyền thống lịch sử quê hương để xây dựng cuộc sống ấm no. Tuy nhiên, khi chúng tôi tiếp xúc với nhiều cán bộ, nhân dân trong xã thì tâm nguyện của họ là mong được Nhà nước sớm quan tâm đầu tư quy hoạch và xây dựng khu di tích lịch sử căn cứ khởi nghĩa Ba Đình, bởi khu di tích là niềm tự hào của nhân dân địa phương, là nơi ghi nhớ các thế hệ ông cha đã hy sinh vì độc lập Tổ quốc. Nhưng đến nay, qua nhiều năm vẫn chưa được đầu tư chỉnh trang, bởi vậy khu di tích giống như một khu đất bị bỏ hoang, có nguy cơ thành phế tích. Khi đến đây, nếu như không nhìn thấy tấm bia ghi dòng chữ “Di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình” thì có lẽ ít ai biết được đây là một khu di tích lịch sử. Ngoài khu căn cứ đang bị xuống cấp thì phòng truyền thống của xã Ba Đình đang lưu giữ các hiện vật trưng bày, các sa hình, mô hình tái hiện lại cuộc khởi nghĩa cũng đang bị xuống cấp nghiêm trọng, tình trạng trên đang đặt ra cấp thiết, đòi hỏi cần có phương án bảo vệ, giữ gìn.

 

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây